Nỗi niềm tủ lạnh ngày Tết

“Anh à, ngày mốt đưa em đi chợ sắm Tết nghen!”. Nghe cô chủ nói với cậu chủ mà tôi rùng mình. Vậy là tôi sắp phải gồng mình lên mà gánh cả núi thức ăn mà cô chủ “mắt to hơn bụng” sắp tha lôi về…

Cô chủ tôi là người đảm đang tháo vát. Mọi công việc trong nhà đều do một tay cô quán xuyến. Ngày dọn về nhà mới, khi mua đồ gia dụng cô đặc biệt quan tâm đến tủ lạnh tôi. Thường thì các cô chủ trẻ hay chọn những chiếc tủ nho nhỏ xinh xinh nhưng cô chủ này cứ nhất định chọn tôi, chiếc tủ Side By Side với dung tích gần 600 lít. Lúc ấy, tôi vui sướng lắm vì nhờ thế mà tôi được đứng trong một ngôi nhà xinh đẹp chứ không phải ở một bếp ăn tập thể.

Cô chủ quý tôi lắm, tuần nào cũng lau chùi dọn dẹp cho tôi sạch sẽ tinh tươm, đồ ăn xếp ngăn nào ra ngăn nấy. Tuy nhiên, ngay trong cái Tết đầu tiên, tôi đã hiểu nguyên nhân tôi được có mặt ở đây và chẳng vui gì.

Cô chủ vốn chu đáo, tại “mắt to” nên để chuẩn bị cho Tết, cô thường tính toán đồ ăn cho bốn người nhà mình rồi nhân lên bốn lần để sẵn sàng khi có khách. Theo cô thì ngày thường có thiếu một chút không sao chứ ngày Tết mà thiếu thốn thì không thể được. Thế nên cô thường mua tới hai ký hạt dưa, bốn ký bánh kẹo, ba trái dưa hấu to đùng, chục bịch ô mai các loại. Ba con gà, hai cái giò heo, hai con cá lóc mỗi con hơn một ký, chục bánh chưng, hai ký giò nạc, hai ký thịt bò, rau củ quả các loại…

Với nhóm đồ “ăn chơi”, chỉ việc xếp gọn vào chiếc tủ tường ở phòng khách là xong. Còn đồ thực phẩm tươi sống, cô chủ rửa sạch từng thứ, chia ra các hộp nhỏ và sắp xếp theo một trật tự đã được tính toán rất chi li. Khi mọi thứ đã yên vị trong lòng tôi thì cũng là lúc từng thớ thịt da của tôi cứ căng lên như những sợi dây đàn, gân cốt mỏi nhừ, mồi hôi túa ra như tắm…

Mâm cơm ngày Tết cô chủ thường biểu diễn đến hơn chục món. Tuy cô nấu ăn khéo lắm nhưng cũng vì cô có đôi “mắt to” quá nên khi cả nhà đã no căng rồi mà mâm cơm vẫn còn ngồn ngộn. Bởi vậy, cậu chủ và hai nhóc chỉ háo hức nhất với bữa cơm tất niên chiều Ba Mươi thôi. Qua sáng Mùng Một thì mọi thứ còn khá hấp dẫn. Nhưng đến Mùng Hai, khi cô chủ hì hục bê mâm cơm ra thì mấy cha con đã có phần nào thờ ơ rồi. Vì đã có món phải hâm đi hâm lại, đã có món mới tuy mới nhưng phần vì được chế biến từ thực phẩm đông lạnh, phần vì đã “no xôi chán chè” nên mọi người, trừ cô chủ, đều uể oải.

Ai đến chơi nhà tôi ngày Tết, xin cứ yên tâm là cả năm sẽ được no nê vì cô chủ tiếp khách cực kỳ chu đáo. Dù nhiều, dù ít nhất định khách phải thưởng thức đủ những món cô dọn ra. Theo đó, chỉ cần ăn mỗi thứ một miếng cũng no cả ngày!

Thức ăn mới cũ cứ nối đuôi nhau, bị thừa lại đóng hộp nhét vô tủ lạnh nên tôi chẳng còn thừa một centimet nào để mà thở nữa. Ngày thường, cô chủ tôi chăm lo cho tôi là thế nhưng ngày Tết đồ ăn luôn đầy ứ, có muốn lôi ra dọn dẹp, vệ sinh cũng khó nên cô chủ đành phải làm lơ. Thế là, mùi cá, thịt, quả, rau hỗn loạn tra tấn tôi. Bọn vi khuẩn tha hồ “đục nước béo cò”, bò lổm ngổm trong bụng tôi.

Rồi y như rằng cô chủ lại bắt đầu rên rỉ rằng mọi thứ đều được bảo quản lạnh mà sắp nhỏ vẫn bị bác Tào Tháo rượt là sao. Cô còn nghi ngờ khả năng làm việc của tôi khiến tôi tủi thân ghê lắm. Xin thưa, tủ lạnh tôi chỉ bảo quản tốt khi không phải chứa quá nhiều đồ ăn; thức ăn thừa cũng phải đun lên, để nguội rồi mới cho vào tủ; trước khi ăn phải đun lại lần nữa thì mới diệt hết vi khuẩn được, tôi nào phải siêu nhân đâu! Mà đã nấu đi nấu lại như thế thì mất hết dưỡng chất, còn gì là bổ béo nữa! Ngay cả đồ chưa chế biến nhưng để trong tủ đá thì chất lượng cũng không thể so với thực phẩm tươi sống. Điều này sao cô chủ tôi không chịu hiểu nhỉ?

Sáng Mồng Ba, cô chủ đi chợ mua một túi rau tươi và lẩm bẩm: “Thôi, năm sau không cần phải mua rau dự trữ nữa, mất cả ngon!” Mồng Bốn, cô chủ mua con cá chép còn giãy đành đạch nấu bát canh chua, cà nhà húp xì xụp. Nhìn mấy chú cá lóc đã được hấp chín đầy màu sắc vẫn đang yên vị trong tủ lạnh, cô chủ chép miệng tiếc rẻ: “Năm sau không mua cá nhiều nữa, nấu trước mất cả ngon!” Mồng Năm, Mồng Sáu Tết, mấy chiếc bánh chưng lần lượt được dỡ ra, cho lên chiên. Bọn nhỏ kêu muốn ăn bánh chưng không chiên cho đỡ ngán, cô chủ lại ra chợ mua. Bánh bóc ra thơm ngon, hấp dẫn hơn hẳn mấy chiếc bánh đã khô lá ở nhà. Cả cái đám hạt dưa, bánh mứt kẹo bị tồn đọng, phải nhờ mấy đứa cháu sinh viên thanh lý hộ. Cứ nghĩ đến bao nhiêu đồ ăn bị bỏ tôi lại thấy ngậm ngùi.

Năm nào cũng thế, ăn Tết xong cô chủ đều kết luận là Tết năm sau không nên mua nhiều đồ ăn nữa nhưng khi sắm Tết thì chả hiểu sao nàng cứ đi theo “vết xe đổ” mới lạ. Đấy, tôi lại nhìn thấy nàng cầm một danh sách dài dằng dặc cho vào túi xách cùng với mấy cọc tiền. Thịt da tôi lại sắp kêu răng rắc, tôi lại ngộp thở đến nơi rồi!!!

Theo Tủ Lạnh.>> sua tu lanh tai quan 7.